Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Kỳ II: Điều Nghị định cấm có thể là nhu cầu của một bộ phận người dân?

Hành vi nghiêm cấm đầu tiên của Nghị định (Điều 4) là không được thực hiện việc chuyển đổi giới tính đối với những người đã hoàn thiện về giới tính. Câu này có nghĩa là những người đã có đủ các yếu tố để coi là nam hay nữ (có giới gen học là XX hoặc XY; có cơ quan sinh dục ngoài và trong thuộc nam hay nữ) không thuộc diện được xác định lại giới tính.

 Một số cá thể có hiện tượng bức bối về giới tính. Ảnh: Google.
Trên thực tế cấu trúc sinh học và tâm lý của con người rất phong phú, đa dạng. Có một bộ phận dân số hoàn toàn bình thường về giới gen học, được khai sinh ngay khi đẻ ra là trai hay gái, cơ thể hoàn chỉnh cả trong lẫn ngoài, chỉ có bản sắc giới là không bình thường và có tên y học là rối loạn bản sắc giới. Chính bộ phận dân số này mới là đối tượng chủ yếu của quyết định chuyển giới.

Bản sắc giới là cảm nhận của mỗi người thấy mình thuộc giới nào đó. Rối loạn bản sắc giới là trạng thái mà một người khi đã được xác định là thuộc giới nào đó (thông thường dựa trên cơ quan sinh dục ngoài) nhưng lại phát triển hành vi ứng xử, tính cách, cảm xúc theo giới đối lập hoặc cảm thấy không thích hợp với vai trò giới mà xã hội quy định cho họ. Cảm giác đó vẫn luôn có ở họ nhưng có khi đến tuổi vị thành niên hay tuổi trưởng thành mới bộc lộ và cảm giác đó còn có thể ngày càng mạnh lên theo thời gian. Trong khi chỉ dựa trên cơ quan sinh dục ngoài để quy định là nam hay nữ thì sự phát triển bản sắc giới lại do nhiều yếu tố phức tạp quyết định. Bệnh sinh rối loạn bản sắc giới còn có nhiều giả định nhưng là một cái gì đó tồn tại thực sự, không phụ thuộc vào giới sinh học.

Thể cực đoan nhất của rối loạn bản sắc giới là hội chứng bức bối về giới. Nước ta chưa thống kê chính thức về bộ phận dân số này nhưng quyền lợi được chuyển giới chính đáng của họ đang được quan tâm trên phạm vi toàn thế giới. Những người có trạng thái bức bối về giới thể hiện những đặc tính sau:

1. Cảm giác mình thuộc về giới đối lập và giới giải phẫu (hay giới sinh học) hiện có là một sự lầm lẫn của tạo hóa.

2. Cảm giác khó chịu với chính cơ thể mình đến mức ghê sợ chính giới sinh học của mình.

3. Tha thiết mong muốn có ngoại hình giống như giới đối lập, muốn được điều trị kể cả phải phẫu thuật.

4. Mong muốn được cộng đồng công nhận mình là giới đối lập.

5. Cảm giác và niềm tin mình là giới đối lập rất bền vững, thường đã có ngay từ khi còn là trẻ nhỏ.

6. Không kèm theo bệnh thực thể hay bệnh tâm thần nào, ví dụ như tâm thần phân liệt.

Quyết định chuyển giới không phải là ý muốn ngẫu hứng của cá nhân mà có sự xem xét kỹ, thận trọng của một nhóm chuyên gia gồm các thầy thuốc, các chuyên gia tâm lý.

Khi đã được chẩn đoán là có trạng thái thích sống theo giới khác thì chỉ định phẫu thuật chuyển giới dựa trên những tiêu chuẩn nghiêm ngặt do Hội quốc tế về trạng thái bức bối về giới mang tên Harry Benjamin đề ra (1985) nhằm giúp cho một cá thể có chất lượng sống tốt hơn:

1. Người bệnh có xu hướng ổn định muốn sống theo giới đối lập.

2. Người bệnh cần cảm nhận sâu sắc về tình trạng của bản thân và không bị bất cứ một rối nhiễu tâm lý nào.

3. Bệnh nhân có thể chuyển qua giới đối lập một cách có kết quả và có biểu hiện của hoạt động bình thường theo giới đối lập.

4. Sự cải thiện về đời sống cá nhân và xã hội cần được dự báo trước cho những người được chuyển giới trước và sau phẫu thuật.

Nhiều nước trên thế giới đã có những thể chế pháp luật về chuyển giới, với những điều luật phù hợp với sự phát triển văn hóa của từng nước.

Nghị định về xác định lại giới tính ở nước ta chưa đề cập đến rối loạn bản sắc giới - một lý do quan trọng khiến một số người muốn chuyển giới.

Thiết nghĩ cho phép chuyển giới là một động thái hòa nhập với xu thế chung toàn cầu, dẫn đến hệ quả tích cực hơn về tôn trọng quyền con người, mở ra cơ hội cho một nhóm dân số tiếp cận chất lượng sống, sức khỏe tình dục.

BS.Đào Xuân Dũng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét