Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Nhiễm khuẩn đường sinh sản thường gặp ở vị thành niên

Sau mỗi lần hành kinh thì em lại ra chất nhày, lúc nào cũng thấy ngứa ngáy, khó chịu ẩm ướt, đặc biệt là mùi của nó. Bởi vậy em rất ngại mỗi khi phải đi đâu. Người ta bảo dùng nước kém vệ sinh nên bị viêm nhiễm hả chị? Em phải chữa trị ra sao, liệu bệnh có ảnh hưởng đến sinh sản sau này không?

Em đi khám ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội được các bác sĩ cho biết là bị viêm âm đạo do nấm, em có uống thuốc một thời gian dài thì không thấy nấm nữa nhưng vẫn còn mùi hôi. Em chưa quan hệ tình dục lần nào. Vậy bệnh của em có ảnh hưởng đến đường con cái sau này không?

Câu hỏi trên là một trong những quan tâm, lo lắng chung của nhiều bạn trẻ tuổi vị thành niên. Chúng tôi xin giải đáp câu hỏi này qua bài viết của BS. Lê Hòa

Tuổi vị thành niên có thể mắc một số bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản.

Khám và tư vấn phòng bệnh cho phụ nữ. Ảnh: TP

Những bệnh hay gặp là:

- Hội chứng tiết dịch âm đạo: Người bệnh thường than phiền là có dịch âm đạo (khí hư). Khí hư có thể ra ít hoặc nhiều, màu trong, đục hoặc màu vàng, đặc hoặc loãng, có mùi hoặc không có mùi. Người bệnh còn bị ngứa, đau, rát viêm nề vùng âm hộ, âm đạo. Đau khi giao hợp có thể kèm theo đái khó. Nếu không được điều trị có thể gây biến chứng như viêm tiểu khung, vô sinh, chửa ngoài tử cung, nhất là đối với lậu và Chlamydia. Căn nguyên gây bệnh thường là: nấm men Candida gây viêm âm hộ - âm đạo; trùng roi âm đạo; lậu cầu khuẩn; Chlamydia trachomatis.

- Hội chứng đau bụng dưới: Biểu hiện đau bụng dưới, liên tục hoặc gián đoạn, nhẹ hoặc nặng; đau khi giao hợp; tiết dịch âm đạo; sốt. Tuy nhiên, đau bụng dưới còn có thể gặp ở một số bệnh cấp cứu ngoại sản như viêm ruột thừa, chửa ngoài tử cung, u nang buồng trứng xoắn, u nang buồng trứng vỡ, do vậy bệnh nhân cần được khám xét cẩn thận để có chỉ định đúng hướng. Nguyên nhân gây đau bụng dưới liên quan đến viêm tiểu khung thường do: lậu cầu khuẩn; Chlamydia trachomatis; vi khuẩn kỵ khí.

- Hội chứng tiết dịch niệu đạo: Đây là bệnh lây truyền qua đường tình dục thường gặp nhất ở nam. Người bệnh bị ra mủ hoặc dịch nhày ở lỗ niệu đạo, đái buốt, đái khó, có cảm giác ngứa rấm rứt dọc theo niệu đạo. Ngoài ra, còn có thể bị viêm kết mạc, viêm cầu họng (lậu), sưng đau bìu. Căn nguyên thường gặp nhất là lậu cầu khuẩn, Chlamydia trachomatis.

- Hội chứng loét sinh dục: Gặp cả ở nam và nữ. Người bệnh có một hay nhiều vết loét ở vùng sinh dục - hậu môn, hoặc môi, lưỡi, họng, có thể đau hoặc không đau. Hạch to, thường là hạch bẹn một bên hoặc hai bên với các đặc điểm đau hoặc không đau, làm mủ rồi vỡ gây loét hoặc không, có di động hoặc không di động. Toàn trạng bình thường hoặc có sốt nhẹ, mệt mỏi. Nguyên nhân gây bệnh thường là xoắn khuẩn giang mai gây bệnh giang mai; trực khuẩn hạ cam gây bệnh hạ cam; virut Éc-pét týp 1 và 2 gây Éc-pét sinh dục.

- Hội chứng sưng hạch bẹn: Thường gặp cả ở nam và nữ. Người bệnh có sốt hoặc không sốt. Hạch bẹn to ở một hoặc cả hai bên, có các vết loét, mụn nước, sần nhỏ vùng hậu môn - sinh dục. Ngoài ra, còn có các biểu hiện khác ở da hoặc niêm mạc như sẩn, sẩm mủ, đào ban đặc biệt ở lòng bàn tay và bàn chân. Nguyên nhân gây bệnh thường gặp là: xoắn khuẩn giang mai gây bệnh giang mai; trực khuẩn hạ cam gây bệnh hạ cam; Chlamydia trachomatis týp L1, L2, L3, gây bệnh hột xoài hay bệnh u hạt bạch huyết hoa liễu (Nicolas-Favre).

- Sùi mào gà sinh dục: Là một bệnh lây truyền qua đường tình dục, có thể gặp cả ở nam và nữ do virut sùi mào gà (HPV) gây ra. Thường người bệnh tự phát hiện ra bệnh và đi khám. Biểu hiện bệnh là các u nhú màu hồng tươi, mềm, có chân hoặc có cuống, không đau và dễ chảy máu. Có thể thấy tổn thương dạng phẳng rất khó phát hiện. Ở nữ, sùi mào gà hay thấy ở âm vật, môi nhỏ, quanh lỗ niệu đạo, tầng sinh môn. Cũng có thể gặp sùi mào gà ở cổ tử cung, hậu môn. Ở nam giới, sùi mào gà thường gặp ở rãnh quy đầu, bao da và thân dương vật, có khi thấy ở miệng sáo.

Điều trị: Tất cả các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản nói trên đều có thuốc đặc trị, trừ bệnh sùi mào gà do virut gây ra, chưa có thuốc điều trị. Do vậy người bệnh sùi mào gà sẽ mang mầm bệnh này suốt đời có thể có biểu hiện triệu chứng lâm sàng hoặc không có triệu chứng. Bệnh nhân mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản cần đi khám xác định bệnh để được điều trị sớm. Phải tuân thủ điều trị đủ liều, thậm chí khi triệu chứng bệnh đã hết vẫn cần tiếp tục cho hết trị liệu, đến khám lại theo lịch hẹn. Các bệnh này lây truyền qua đường tình dục nên khi bị bệnh cần thông báo cho bạn tình và điều trị cả cho bạn tình. Tất cả bệnh nhân mắc các bệnh này đều có nguy cơ mắc và lây nhiễm HIV, nên họ cần được tư vấn và đề nghị xét nghiệm HIV.

Để phòng bệnh và không làm lây bệnh cho người khác, tất cả những người bị các bệnh này cần sử dụng bao cao su đúng cách để bảo đảm tình dục an toàn và tranh có thai ngoài ý muốn.

BS. Lê Hòa

0 nhận xét:

Đăng nhận xét